Trang chủ / Tin tức / Tin tức Bất Động Sản / Thiết kế không gian tiện ích công cộng trong chung cư cao tầng tại TP. Hồ Chí Minh

Thiết kế không gian tiện ích công cộng trong chung cư cao tầng tại TP. Hồ Chí Minh

global-home-van-hoa-ung-xu-trong-chung-cu

Hình 1: Xu hướng chuyển từ nhà ở riêng lẻ sang sống trong chung cư với các nhà chung cư cao tầng được xây dựng tại Tp.HCM (Nguồn Tác giả)

Việc người dân có xu hướng lựa chọn nhà chung cư phần nào đã chứng tỏ chất lượng ở tại các chung cư đã được gia tăng, trong đó vai trò không nhỏ của các không gian tiện ích công cộng. Nhưng đối với nhiều cư dân, việc sử dụng nhà chung cư còn rất nhiều lúng túng trong ứng xử cộng đồng. Thói quen và những tập quán văn hoá đối với những người dân quen sống trong những căn nhà riêng lẻ cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với văn hoá nhà chung cư. Nhưng trước tiên, những nhà thiết kế, và các chủ đầu tư cần quan tâm đến việc thiết kế và đầu tư xây dựng các không gian tiện ích công cộng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời định hướng ứng xử để đảm bảo môi trường sống văn minh, hiện đại.

Nội dung bài viết tập trung đánh giá một số không gian tiện ích công cộng trong các khu nhà chung cư cao tầng (CCCT) tại TP HCM và phân tích các tập quán và văn hoá ứng xử của người dân nhằm kiến nghị các giải pháp thiết kế phù hợp. Các nội dung gồm: (i) giới thiệu chung về các không gian tiện ích công cộng đường đầu tư trong nhà chung cư; (ii) phân tích ứng xử văn hoá cộng đồng của cư dân tại TP.HCM; (iii) một số đề nghị về giải pháp thiết kế không gian tiện ích công cộng, nhằm tăng ý thức cộng đồng của cư dân trong CCCT.

Phát triển các không gian sử dụng chung và các tiện ích công cộng trong CCCT

Vào những năm gần đây, các khu nhà ở cao tầng được đầu tư phát triển tại các đô thị lớn Việt Nam ngày càng nhiều. Các khu CCCT không chỉ được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu ở tối thiểu (sảnh, cầu thang, hành lang…) nhiều không gian tiện ích cộng đồng như quảng trường, vườn hoa, hồ bơi, sân tập thể thao, phòng sinh hoạt chung, sinh hoạt cộng đồng, thư viện, phòng tâp thể dục… được thiết kế và đầu tư rất đa dạng.
Nhận dạng các không gian công cộng và không gian tiện ích trong các khu nhà chung cư gồm một số loại hình như sau:

1. Không gian công cộng thông thường – sử dụng chung

Sảnh, hành lang, cầu thang và khu vực đậu xe là những không gian công cộng thông thường bắt buộc phải có trong nhà chung cư. Thông thường, diện tích và cách thức tổ chức các không gian này được quy định rõ trong nguyên lý thiết kế và các quy chuẩn – tiêu chuẩn thiết kế. Chủ đầu tư và các nhà thiết kế phải tuân thủ các quy định, tuy nhiên khá nhiều chủ đầu tư tìm cách cắt giảm các diện tích này nhằm giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, tại một số dự án, chủ đầu tư có thể chiếm dụng các diện tích này để khai thác kinh doanh, do vậy, các diện tích sử dụng chung trong nhà chung cư thường là nguyên nhân gây nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.

Xét theo góc độ sử dụng, các khu vực sử dụng chung hầu hết được thiết kế đảm bảo về mặt công năng, nhưng chưa quan tâm nhiều đến văn hoá ứng xử cộng đồng. Có thể thấy một số vấn đề cụ thể trong thiết kế các không gian công cộng thông thường:

Khu vực sảnh và hành lang:

Sảnh chính của các CCCT thường được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn và giá trị các căn hộ. Các chung cư cao cấp thường được thiết kế với sảnh rộng, trang trí nội thất khá cầu kỳ nhằm làm tăng thêm giá trị, tạo ra hình ảnh và thương hiệu cho bất động sản. Trong khi đó, khu vực sảnh ở hầu hết các chung cư trung bình hay thu nhập thấp chủ yếu là lối vào chính và được thiết kế với diện tích tối thiểu. Việc thiết kế các không gian sảnh chính cần đảm bảo các nhiệm vụ:

– Nơi tập trung đông người, kết nối với giao thông chiều đứng;

– Khu vực tiếp tân, nơi cung cấp thông tin cho cư dân;

– Không gian giao tiếp chung, nơi gặp gỡ của cư dân.

Nhiều không gian sảnh được thiết kế rất đẹp và tráng lệ, nhưng lại không tính đến nhu cầu giao tiếp và gặp gỡ của cư dân. Có thể thấy, thiết kế khu sảnh chính đa năng, nhưng vấn đề quan trọng không phải là diện tích lớn hay nhỏ hoặc là chi tiết trang trí, mà phải phù hợp với các nhu cầu của người dân.

Ở một số khu chung cư phức hợp, chủ đầu tư có thể tổ chức sảnh chính cho cư dân dùng chung với sảnh các chức năng như: Khu văn phòng, khu dịch vụ khác gây cản trở cho hoạt động của cư dân. Trong một số chung cư, việc các căn hộ cho thuê làm văn phòng các công ty vừa và nhỏ, nhân viên của các văn phòng có thái độ ứng xử rất khác biệt cũng đã gây ra rất nhiều bất tiện cho cư dân.

Hành lang và khu vực sảnh của các tầng: Phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế như chiều dài, chiều rộng và khả năng thông thoáng, thoát hiểm khi có sự cố. Bên cạnh đó, hành lang – sảnh các tầng còn phải đảm nhiệm nhu cầu thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên. Hiện nay có 2 mô hình thiết kế hành lang – sảnh các tầng: Dạng sảnh (các căn hộ xung quanh 1 sảnh trung tâm) và dạng hành lang (các căn hộ nằm dọc theo hành lang). Tuỳ thuộc vào thành phần và đối tượng cư dân mà việc sử dụng hành lang – sảnh các tầng làm không gian giao tiếp cộng đồng với mức độ khác nhau. Thực tế nhu cầu giao tiếp hàng xóm – láng giềng đã được tiết giảm rất nhiều trong các chung cư, đặc biệt, nếu người cư trú là các gia đình trẻ (một hoặc hai thế hệ) thì nhu cầu giao tiếp lại càng ít. Nơi giao tiếp phổ biến đôi khi chỉ là sảnh và buồng thang máy, là nơi các cư dân gặp gỡ nhau trong một thời gian rất ngắn.

  • Khu vực đậu xe: Có thể trong hầm hoặc ngoài trời để giải quyết chỗ đậu xe ô tô và xe gắn máy, cũng là những khu vực sử dụng chung. Tuy nhiên, về mặt thiết kế, hầu như các chủ đầu tư và các nhà thiết kế không quan tâm đến người sử dụng, chủ yếu chỉ đáp ứng việc tiết kiệm diện tích mà tận dụng nhiều chỗ đậu xe nhất.
  • Các khu vực kỹ thuật khác như phòng rác, cầu thang thoát hiểm…: Khá nhiều vấn đề về văn hoá ứng xử vẫn có thể xảy ra trong các không gian này.

global-home-khong-gian-cong-dong-chung-cu

Hình 2. Sảnh và không gian đọc sách trong một chung cư ở TP.HCM – Đã có đầu tư về tiện ích và chất lượng không gian nhưng vẫn chưa quan tâm nhiều đến định hướng ứng xử công cộng (Nguồn. Tác giả)

2. Không gian tiện ích công cộng

Tuỳ thuộc vào mức độ đầu tư, giá thành và đối tượng cư dân mà các không gian tiện ích có quy mô và chất lượng khác nhau. Phần lớn kinh phí hoạt động cho các khu vực này trích từ chi phí quản lý vận hành chung cư do người dân chi trả. Có hai loại không gian tiện ích công cộng:

  •  Khu vực tiện ích trong nhà: Phòng sinh hoạt cộng đồng là không gian chung tối thiểu trong các nhà chung cư, đặc biệt là đối với các CCCT. Khu vực này dành cho các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng, hiếu hỉ. Các chung cư thu nhập thấp và trung bình chỉ dành một khu vực có diện tích tối thiểu và hầu như không được trang bị nội thất. Đối với các khu chung cư cao cấp, phòng sinh hoạt cộng đồng được trang bị đầy đủ hơn với nhiều tiện ích cho cư dân.
  • global-home-khong-gian-cong-dong-chung-cu-1

Hình 3. Ý thức để xe bãi đậu xe hay chứa đồ phế thải trong khu vực thoát hiểm là một vài hành vi ứng xử tiêu cực của cư dân trong nhà chung cư (Nguồn. Cộng đồng cư dân 01 Chung cư – Quận 2)

Nhiều chung cư được đầu tư các khu vực: Phòng tập thể dục, phòng chơi thiếu nhi, phòng làm việc/phòng họp dành riêng cho cư dân, thư viện… Chủ đầu tư trang bị nội thất ban đầu, nhưng cư dân phải chi trả chi phí duy trì hoạt động cũng như bảo trì- bảo dưỡng các không gian này.

  • Không gian tiện ích ngoài nhà: Các khu vực vườn hoa, khu thể thao ngoài trời, sân chơi thiếu nhi làm tăng thêm các giá trị cho khu nhà chung cư. Các khu chung cư cao cấp được đầu tư hồ bơi, sân tenis, khu vực sinh hoạt – ăn uống ngoài trời, sân bóng rổ, bóng chuyền… chi phí vận hành các khu vực này cũng khá lớn, nhưng thực tế không phải cư dân nào cũng hài lòng về văn hoá ứng xử và ý thức cộng đồng tại các khu vực này (khảo sát trong phần sau sẽ cho thấy rõ hơn về ứng xử cộng đồng trong các khu CCCT tại TP.HCM).

Như vậy, cho dù là phòng sinh hoạt cộng đồng hay các tiện ích gia tăng trong và ngoài nhà thì trong thiết kế đã bắt đầu quan tâm đến nhu cầu của cư dân trong CCCT. Việc quản lý các không gian tiện ích công cộng này lại phụ thuộc khá nhiều vào đơn vị quản lý vận hành và những nội quy chung cư do hội nghị cư dân thông qua. Với một số chung cư có đơn vị quản lý vận hành tốt, các không gian tiện ích công cộng này được quản lý và khai thác, khá hiệu quả và đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều cư dân phàn nàn về việc quy định cứng nhắc hay phàn nàn việc hành xử của cư dân khác đối với việc sử dụng các khu vực công cộng, kể cả ở các khu chung cư cao cấp.

Ngoài ra, đối với một số khu chung cư phức hợp, một số chủ đầu tư có thể kết hợp khai thác thêm các không gian thương mại dịch vụ nhằm phục vụ cư dân như siêu thị, cửa hàng… nhưng các không gian này chỉ có ý nghĩa làm gia tăng giá trị bất động sản, hầu như được tổ chức riêng biệt theo đơn vị kinh doanh và không gắn liền với các hoạt động cộng đồng cũng như văn hoá ứng xử của cư dân. Đôi khi các khu vực này lại gây nên nhiều bất tiện cho cư dân chung cư.

Chủ đầu tư một số nhà chung cư phân chia các không gian sử dụng chung (không gian công cộng) và sử dụng riêng (không gian riêng tư) thiếu hợp lý gây ra một số bất tiện trong ứng xử cộng đồng. Ví dụ, một số thiết kế bố trí căn hộ cùng tầng và không có sự phân cách với khu vực tiện ích công cộng, gây trở ngại cho người sử dụng không gian công cộng và bất tiện với cư dân của những căn hộ này.

Thực tế, việc thiết kế các không gian tiện ích công cộng không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ hay thích dụng mà còn có thể góp phần trong gia tăng ý thức cộng đồng của người dân. Nếu nhà thiết kế và chủ đầu tư quan tâm hơn đến văn hoá cộng đồng trong chung cư thì nhiều giải pháp có thể tổ chức không gian tiện ích công cộng hài hoà hơn trong sử dụng và làm gia tăng ý thức của cộng đồng cư dân. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý vận hành vẫn có thể dung hoà khi xây dựng các nội dung phù hợp với bối cảnh cộng đồng, văn hoá ứng xử, hay thu nhập của từng đối tượng cư dân.

global-home-khong-gian-xanh-chung-cu

Hình 4. Sự bất tiện của không gian căn hộ tiếp cận trực tiếp với sân chơi và không sinh hoạt cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Quốc Thông, 2010. Đặc điểm văn hóa đô thị mới ở Hà Nội. Tạp chí Kiến trúc số 9/2010.
2. Nguyễn Thị Hậu, 2015. Bản sắc văn hóa của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh.

TS. Lê Anh Đức, ThS. Đỗ Nguyễn Anh Thư

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)

Link gốc bài viết: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/thiet-ke-khong-gian-tien-ich-cong-cong-va-van-hoa-ung-xu-trong-chung-cu-cao-tang-tai-tp-ho-chi-minh.html

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ NHÀ TOÀN CẦU

Global Home

Trụ sở chính: 151 Bạch Đằng, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM.

Điện thoại / Fax: (028) 3848 8666

Hotline: 0888 816 618

Email: info@globalhome.vn

Website: www.globalhome.vn - www.quanlytoanha.org - www.quanlychungcu.org

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin

Nhập email để nhận thông tin mới nhất từ CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ NHÀ TOÀN CẦU GLOBAL HOME
Email(*)
Trường bắt buộc

Gửi