Nhiều chủ đầu tư cho biết mặc dù họ chưa tổ chức bán hàng. Song, trên mạng đã có nhiều trang web mạo danh chủ đầu tư, cung cấp thông tin sai sự thật về dự án nhằm mục đích câu khách mua nhà.
Độc chiêu gom khách
Dự án Imperia 203 Nguyễn Huy Tưởng đang dính lùm xùm về pháp lý. Trong quá trình đi tìm hiểu thông tin về dự án này, PV không khỏi ngỡ ngàng khi có rất nhiều trang web, facebook được lập ra, gắn tên, biểu tượng dự án Imperia.
Vào mục tìm kiếm trên facebook, chỉ cần gõ Imperia, người mua sẽ nhìn thấy nhiều tài khoản mang biểu tượng Imperia. Các tài khoản này đều có 300-4.000 người đã tham gia kết bạn. Trao đổi với PV, chủ đầu tư dự án khẳng định các facebook này không phải do chủ đầu tư lập ra. Dự án chỉ có duy nhất 1 trang web để giới thiệu về dự án.
Khi tham gia kết bạn với các facebook này, phóng viên mới phát hiện ra các chiêu trò câu khách của các đơn vị môi giới. Và mục đích của nhóm người lập ra facebook này là tìm kiếm khách hàng đang có nhu cầu mua nhà tại dự án này.
Anh Ngọc Minh (nhà đầu tư) cho biết, để tìm hiểu thêm thông tin về dự án Imperia, anh đã lên mạng và kết bạn với trang facebook của dự án. Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi được chấp nhận kết bạn, anh liên tục nhận được điện thoại của nhân viên môi giới mời mua nhà. “Mới đầu, tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao các nhân viên môi giới lại có thể biết được số điện thoại để liên lạc . Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết họ lấy thông tin của tôi từ facebook. Điều làm tôi rất khó chịu, đó là họ gọi điện rất nhiều lần. Để tránh phiền hà, tôi đã phải chặn cuộc gọi. Tuy nhiên, họ tiếp tục sử dụng số máy khác để liên lạc, đeo bám khách hàng khiến tôi rất bức mình” anh Minh cho biết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều thông tin về dự án Imperia được quảng cáo không chính xác trên các trang facebook. Đơn cử, như thiết kế chi tiết các căn hộ, số lượng phòng ngủ được update không đúng khiến nhiều khách hàng sau khi mua đã xin trả lại căn hộ.
Nhiễu loạn thông tin
Trước đó, chủ đầu tư dự án Tràng An Complex chia sẻ đã không ít lần gặp rắc rối vì nhiều trang web đã giả mạo thông tin của dự án. Đại diện chủ đầu tư cho biết, trong khi dự án chưa làm lễ khởi công, chưa mở bán và chưa có giá bán… nhưng nhiều trang website đã rao bán các căn hộ dự án Tràng An Complex với giá thấp hơn nhiều so với dự kiến của chủ đầu tư cả 5-6 triệu đồng/m2.
Thậm chí, có website còn công bố số điện thoại hotline để liên hệ và xem căn hộ mẫu. Tuy nhiên, hầu như các rao bán này khá thiếu thông tin về tiến độ dự án, nếu có thì cũng khá chung chung như dự án đang triển khai và sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest xác nhận, ông đã nhiều lần phải nhờ cơ quan báo chí đính chính thông tin sai lệch của các trang web giả mạo. “ mục đích các trang web này mở ra để gom khách hàng. Người mua nhà thường lên trên mạng để tìm kiếm thông tin dự án. Họ không biết được trang nào là trang chính thức của chủ đầu tư. Vì vậy, nếu họ gọi điện vào số hotline của các trang web là “mắc bẫy” các môi giới nhà đất.
Tại dự án Nam đường 32 của CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 mới đây, chủ đầu tư cũng phải lên tiếng về tình trạng đất nền dự án này đang bị một số đơn vị mạo danh nhà phân phối để quảng cáo rao bán rầm rộ trên thị trường.
Được biết, trước đó, vào đầu tháng 2/2015, Lũng Lô 5 đã giới thiệu sản phẩm đất nền tại dự án khu đô thị Nam đường 32. Với vị trí khá đắc địa, gần trung tâm Hà Nội và nằm liền kề trung tâm huyện lỵ huyện Hoài Đức, sản phẩm đất nền dự án này được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Từ khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường, chủ đầu tư chưa chính thức mở bán. Song, nhiều đơn vị môi giới đã rầm rộ rao bán đất nền dự án Nam đường 32 với nhiều mức giá khác nhau. Việc chủ đầu tư phải chính thức lên tiếng, dù xác định sức cầu với sản phẩm dự án có thể bị ảnh hưởng, cho thấy sự rủi ro rất lớn đối với các giao dịch đất nền của nhà đầu tư tại dự án này thời gian gần đây.
Việc dự án bị hàng loạt đơn vị phân phối mạo nhận bán hàng khiến chủ đầu tư phải có văn bản gửi đến một số đơn vị truyền thông để cảnh báo tới người có nhu cầu mua nhà tại dự án.
Theo một số đại diện đơn vị phân phối, chính việc thị trường bất động sản sôi động trở lại là nguyên nhân xuất hiện tình trạng rao bán khống. Cụ thể, một số đơn vị phân phối chấp nhận làm liều rao bán sản phẩm chưa có để thu gom khách hàng, chờ khi dự án chính thức được mở bán thì họ đã "thủ sẵn" một lượng khách trong tay để có thể chủ động "mặc cả" với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, việc rao bán khống bất động sản cũng được một số đại diện phân phối cảnh báo: Đó rất có thể cũng là chiêu trò của một số chủ đầu tư để thu hút sự quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư trước thời điểm chính thức mở bán. Vì thế, khách hàng cần tỉnh táo, không nên quan tâm "thái quá", để rơi vào cái bẫy chiêu trò, mà người đạo diễn giật dây không ai khác, chính là các chủ đầu tư dự án.