Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: TN
Sáng 24/4, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ.
Theo quy định hiện hành, người mua căn hộ chung cư phải đóng 2% tiền mua căn hộ cho kinh phí bảo trì nhà chung cư. Khoản tiền này được gửi vào ngân hàng thương mại và do Ban Quản trị nhà chung cư quản lý để phục vụ công tác bảo trì.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay, quy định thu kinh phí bảo trì chung cư được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế và tình hình cụ thể của Việt Nam.
Theo thống kê, có 11 địa phương phát sinh 458 vụ tranh chấp, khiếu nại liên quan tới công tác quản lý vận hành, chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư cả cũ và mới. Trong đó, có 68 tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%, chiếm khoảng 3,4% tổng số nhà chung cư có quỹ bảo trì (khoảng 2.000 tòa) và khoảng 14,8% tổng số trường hợp tranh chấp, khiếu nại của 7 địa phương.
Đáng chú ý, có 54 chung cư chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị, chiếm 11,8% tổng số tranh chấp và chiếm 79% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì…
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin, riêng tại Hà Nội có 39 tòa chung cư phát sinh tranh chấp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung trong tổng số 919 tòa, chiếm 4,2%; TP Hồ Chí Minh có 15 tòa phát sinh tranh chấp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung trong tổng số 867 tòa, chiếm 1,7%.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên giải trình. Ảnh: TN
Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh các kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.
Cũng theo Tư lệnh ngành Xây dựng, quy định của pháp luật về bảo hành và bảo trì rất rõ ràng, khó có chuyện trùng lắp giữa việc bảo hành và bảo trì.
Bảo hành là việc thực hiện công việc liên quan đến sửa chữa, thay thế hỏng hóc không do lỗi của người tiêu dùng. Đơn vị thi công xây lắp bảo hành phần xây dựng, đơn vị cung cấp thiết bị bảo hành phần thiết bị. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo hành chung cư trong 60 tháng trước chủ sở hữu thông qua nguồn kinh phí bảo hành của đơn vị thi công xây lắp và đơn vị cung cấp thiết bị.
Bảo trì là toàn bộ các công việc liên quan cần thực hiện để vận hành bình thường, ổn định, an toàn của công trình bằng khoản kinh phí do người sở hữu phải đóng góp. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì trong năm đầu tiên, khi chưa có ban quản trị tòa nhà.
Do bất cập về trình độ, năng lực của ban quản trị tòa nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này sẽ đề xuất thêm 2 mô hình khác là chủ đầu tư thực hiện phần bảo trì, vận hành chung cư và mô hình đơn vị quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp.
Như vậy, cư dân của chung cư có thể lựa chọn, hoặc bầu ban quản trị, hoặc giao chủ đầu tư, hoặc thuê đơn vị chuyên nghiệp bảo trì, vận hành chung cư.
H.Giang