Tại buổi lễ, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đánh giá việc Phú Quốc trở thành thành phố thuộc tỉnh là sự kiện lịch sử trọng đại, thành quả của cả quá trình thực hiện, quyết tâm chính trị cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu mô hình quản lý theo thiết chế chính trị chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị hành chính nhà nước ở địa phương. Phú Quốc sẽ có sức bật mạnh mẽ, phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế, tạo thế và lực trong việc giữ gìn quốc phòng an ninh, bảo đảm vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo Tây Nam của tổ quốc.
Theo ông Thành, thời gian tới, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình và định hướng để Phú Quốc phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của phía Nam và cả nước; thành phố kiểu mẫu về bảo vệ môi trường; trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ quốc tế...
Một góc thị trấn Dương Đông giữa năm 2020. Ảnh: Cửu Long.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền, quân và dân Phú Quốc thời gian qua. Phú Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, có dáng dấp hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động, được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá nhanh đã đặt ra cho Phú Quốc những yêu cầu mới, cần thiết phải có bộ máy chính quyền đô thị trình độ phát triển cao, đủ năng lực thực thi có hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Vì vậy, việc Phú Quốc trở thành thành phố có ý nghĩa lớn, ổn định phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng ở các khu vực trọng điểm phía Nam.
"Điều kiện, tiềm năng và cơ hội phát triển của Phú Quốc là vô cùng lớn, song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức", Phó Thủ tướng nói và đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phú Quốc tiếp tục nắm bắt cơ hội, khai thác tối đa lợi thế và nguồn lực nội tại để xây dựng một thành phố thông minh, phát triển nhanh và bền vững. Từ đó, Phú Quốc cùng Rạch Giá và Hà Tiên trở thành ba trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020, thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số gần 180.000 người của huyện Phú Quốc. TP Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.
Trong đó, phường Dương Đông được lập mới theo diện tích và dân số hơn 60.000 người của thị trấn Dương Đông. Phường An Thới được lập mới theo diện tích, dân số hơn 4.600 người của xã Hòn Thơm cộng với diện tích, dân số trên 37.000 người của thị trấn An Thới.
Một khu vui chơi ở bắc đảo Phú Quốc. Ảnh: Dương Đông.
Theo đề án, đô thị Dương Đông hơn 2.500 ha sẽ là trung tâm, cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của đảo Phú Quốc. Đến năm 2030, Dương Đông có dân số 240.000 người, trong đó hơn 180.000 dân từ đất liền ra.
Trong khi đó, đô thị An Thới rộng trên 1.000 ha được định hướng thành cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch. Nơi đây còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống địa phương. Dự báo năm 2030, An Thới có hơn 70.000 dân...
Theo kết quả công bố giữa năm 2020, hơn 96% cử tri ở Phú Quốc được lấy ý kiến đã đồng ý nâng cấp huyện đảo du lịch trên vùng biển Tây Nam lên thành phố.
Phú Quốc cũng là địa phương dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về thu hút đầu tư với 321 dự án, vốn đăng ký hơn 340.000 tỷ đồng, lần lượt chiếm 41,2% về số dự án và 72,4% về vốn của cả tỉnh... Mỗi năm, Phú Quốc đón khoảng 2-3 triệu du khách.
Đảo Phú Quốc nằm phía Tây Nam, cách thành phố Rạch Giá 120 km về phía Đông, cách thành phố Hà Tiên 45 km về phía Tây.
Cửu Long
Link gốc bài viết: https://vnexpress.net/phu-quoc-thanh-thanh-pho-4218196.html