Ban quản trị tòa nhà Ruby thuộc chung cư Saigon Pearl vừa có văn bản đề nghị Công ty Việt Nam Land SSG (chủ đầu tư) nộp 5 tỷ đồng quỹ bảo trì còn thiếu, nếu không sẽ ngừng cung cấp dịch vụ bơm nước khu này.
Đây là lần đầu tiên tại TP HCM xảy ra tình trạng ban quản trị chung cư dọa xử lý chủ đầu tư vì nợ quỹ bảo trì. Quỹ bảo trì dự phòng nhà chung cư là khoản thu bắt buộc nhằm tạo nguồn tiền phục vụ cho công tác sửa chữa, bảo trì tòa nhà khi công trình bị hư hỏng, xuống cấp sau một thời gian sử dụng.
Văn bản được Ban quản trị tòa nhà Ruby phát đi khi Công ty Việt Nam Land SSG khăng khăng cho rằng diện tích thương mại và tầng hầm không phải là nhà ở và phục vụ lợi ích chung cho toàn khu.
Ban quản trị tòa tháp Ruby ra tối hậu thư với chủ đầu tư Saigon Pearl nếu đến cuối tháng 9 vẫn chưa nộp quỹ bảo trì thì sẽ ngừng dịch vụ bơm nước vào khu thương mại và các tầng hầm của tòa nhà.
Theo hồ sơ VnExpress.net thu thập được, Công ty Việt Nam Land SSG đang sở hữu hơn 2.700 m2 sàn thương mại và 2.359 m2 diện tích tầng hầm tòa tháp Ruby, tổng số tiền quỹ bảo trì doanh nghiệp phải nộp ước tính hơn 5 tỷ đồng.
Ban quản trị tòa nhà Ruby cho biết, chủ đầu tư dự án Saigon Pearl đã sử dụng phần diện tích thương mại và các tầng hầm của tòa nhà Ruby để kinh doanh mà chưa nộp phí bảo trì trong 4 năm qua.
Tại khoản 1b điều 54 Nghị định 90, đối với phần diện tích chủ đầu tư giữ lại không bán (không tính phần diện tích thuộc sở hữu chung) thì chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị phần diện tích đó làm quỹ bảo trì. Phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ của chung cư đó.
Khi bị Ban quản trị tòa nhà Ruby gây sức ép phải nộp quỹ bảo trì, ngày 22/8 chủ đầu tư Saigon Pearl ra văn bản thông báo đã nộp trước 500 triệu đồng và đề nghị chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Trong cuộc họp xử lý tranh chấp này tại phường 22, quận Bình Thạnh vào ngày 26/8, chủ đầu tư dự án Saigon Pearl cho biết đã có văn bản hỏi Sở Xây dựng TP HCM về mức phí này. Doanh nghiệp hứa sẽ nộp thêm 500 triệu đồng nữa (tổng cộng một tỷ đồng) và chờ ý kiến trả lời của Sở Xây dựng sẽ nộp đầy đủ.
Đại diện Công ty Việt Nam Land SSG giải thích, phần diện tích chủ đầu tư đang sử dụng là tầng hầm và thương mại, không phải nhà ở, nếu vẫn áp dụng đóng phí theo giá căn hộ thì chưa hợp lý nên doanh nghiệp mới xin ý kiến Sở. "Nếu áp dụng chế tài đối với công ty, xảy ra thiệt hại cho chủ đầu tư thì ban quản trị phải chịu trách nhiệm", vị này cho hay.
Tuy nhiên, bất chấp đề xuất của Việt Nam Land SSG, Ban quản trị tòa tháp Ruby khẳng định việc chế tài theo luật được áp dụng cho mọi đối tượng sở hữu tòa nhà, kể cả chủ đầu tư.
Quỹ bảo trì dự phòng của Ruby đã thu được 28 trên tổng cộng 31 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư có diện tích sử dụng lớn nhất lại chưa nộp đủ. Do vậy, Ban quản trị Ruby không chấp nhận đề nghị của chủ đầu tư và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng hạn như tất cả các chủ sở hữu khác để tạo sự công bằng.
Đóng vai trò là bên hòa giải, lãnh đạo UBND phường 22 phân tích: "Việc thu phí bảo trì dự phòng 2% là đúng luật. Chủ đầu tư do còn băn khoăn về việc áp dụng cho khu thương mại và tầng hầm nên đã hỏi ý kiến của Sở Xây dựng. Chúng tôi sẽ liên hệ với Sở để đề nghị sớm có hướng dẫn giải quyết tranh chấp này".
Theo quan điểm của phường, việc chế tài bằng hình thức cắt nước có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cả tòa nhà. Vì vậy, ban quản trị cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Cuối cuộc họp, cả chủ đầu tư Saigon Pearl và Ban quản trị tòa nhà Ruby cùng thống nhất nếu quá ngày 30/9 doanh nghiệp vẫn chưa nộp quỹ bảo trì thì ban quản trị sẽ ngừng cung cấp nước đối với phần diện tích còn nợ. "Chúng tôi đã cân nhắc điều này từ nhiều năm nay rồi", thành viên Ban quản trị Ruby nói.
Tòa nhà Ruby thuộc khu Saigon Pearl là một trong những dự án cao cấp tại TP HCM (tọa lạc tại quận Bình Thạnh) do Công ty Việt Nam Land SSG làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp đã bàn giao căn hộ cho khách hàng và dự án này đã đưa vào sử dụng được 5 năm.
Khu phức hợp Saigon Pearl gồm126 khu biệt thự, 8 cao ốc căn hộ 37 tầng, 2 tổ hợp cao ốc văn phòng, khách sạn, khu thương mại và các công trình tiện ích chung khác. Nằm sát bờ sông Sài Gòn, nhìn ra phía trước là cầu Thủ Thiêm, dự án khởi công từ năm 2005 trên tổng diện tích 10,37 ha, tổng vốn đầu tư hơn 750 triệu USD.