Home / News / Real eastate / Những chiêu lừa đảo khi mua bán nhà đất (Phần 3)

Những chiêu lừa đảo khi mua bán nhà đất (Phần 3)

Hợp đồng góp vốn thật ra chỉ là tên gọi nhằm hợp thức hóa, né tránh bản chất của việc bán nhà… trên giấy. Nghĩa là người mua sẽ ký hợp đồng “góp vốn đầu tư” với chủ dự án trên giấy để khi thành nhà ở, căn hộ thì lúc ấy “góp vốn” sẽ trở thành “mua bán” và người góp vốn là người mua. Ấy là khi giao tiền, góp vốn thì nghĩ vậy và bên nhận góp thì hứa như đinh đóng cột. Nhưng cái kết nhiều khi thật “đắng” bởi không ít người mua “trắng tay” do bỏ tiền thật mua… vịt giời.

 

Thủ đoạn lừa đảo khi mua bán nhà đất

 

Làm giả hợp đồng đầu tư chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

 

Cuối tháng 04/2016, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Tường, 41 tuổi trú ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Đối tượng này đã “bán vịt giời” cho người mua kiểu như vậy.

 

Dự án khu nhà ở Green House (xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Tây cũ) được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch từ năm 2008. Chủ đầu tư lập quy hoạch là Công ty CP Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu (từ đây gọi tắt là Sông Đà Toàn Cầu). Tuy nhiên, sau khi mở rộng địa giới hành chính thủ đô, vì nhiều lý do, đến tháng 09/2014, dự án này vẫn chưa triển khai xây dựng, chưa có quyết định thu hồi đất để giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Tóm lại là tất cả còn nằm trên giấy.

 

Nguyễn Thanh Tường mặc dù không hề có quan hệ với Sông Đà Toàn Cầu nhưng đã làm giả hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty này với nội dung công ty của Tường góp 48% tổng mức đầu tư dự án Green House. Tưởng ngon ăn, ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty CP Xây dựng 71 đã ký hợp đồng ứng vốn với Tường 55 tỷ đồng, đổi lại được hưởng 30 lô đất liền kề và 15 lô đất biệt thự.

 

Từ 2009 – 2011, Tường đã “ung dung” chiếm đoạt của ông Trình 42 tỷ đồng. Tin tưởng dự án này có thật, Công ty 71 lại tiếp tục thu tiền đặt cọc của 113 người có nhu cầu mua, với số tiền 191 tỷ đồng. Sau này, khi vụ việc vỡ lở, trong số những người mua nhà trên giấy với Công ty 71 chỉ có một số người lấy lại được, với tổng số tiền 53 tỷ đồng.

 


nhung chieu lua dao khi mua ban nha dat (phan 3)


Phân lô bán đất “ảo” cho người mua

 

Một vụ lừa đảo khác xảy ra tại Dự án “Khu nhà ở cao cấp Viet – Inc” tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ. Dự án này mặc dù chưa triển khai nhưng Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương (Công ty TST) đã tự tạo dựng bản đồ quy hoạch chia lô bán cho 158 người tiêu dùng, núp dưới hình thức “hợp đồng vay vốn” thu về số tiền 280 tỷ đồng.

 

Cho đến ngày bị bắt giữ, các đối tượng này mới trả lại tiền cho một số khách hàng. Còn hàng trăm khách hàng khác với số tiền hơn 100 tỷ đồng thì nhóm này tuyên bố... không còn khả năng thanh toán(!).

 

Đây là hai trong số nhiều vụ án đã bị cơ quan điều tra phát hiện thủ đoạn bán nhà trên giấy. Để tránh mắc bẫy lừa, cơ quan điều tra khuyến cáo người dân khi mua bất động sản cần phải chú ý đến tính pháp lý của các dự án.

 

Cu thể, bên mua nên yêu cầu bên bán cho xem những loại giấy tờ, hồ sơ như Giấy chứng nhận chủ đầu tư; Quyết định thu hồi đất và bàn giao mốc giới; Bản vẽ quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Giấy phép xây dựng… Nếu bên bán không đưa ra được các hồ sơ pháp lý này thì người mua không nên mạo hiểm ký hợp đồng và giao tiền.

 

MuaBanNhaDat theo Năng lượng Mới 532